Dông - Kỳ nhông

Con Dông là nguồn thực phẩm tự nhiên vô giá và là đặc sản đặc sắc của vùng ven biển Phan Thiết quê tôi.
Mời các bạn ghé thăm trang web để biết thêm về loài Dông và các món ăn đặc sắc từ Dông.

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Giải pháp nào phát triển nghề nuôi dông thương phẩm ?

Giải pháp nào phát triển nghề nuôi dông thương phẩm ? Ước tính toàn tỉnh hiện có từ 500- 600 hộ nuôi dông, với diện tích chuồng nuôi khoảng 50 ha. Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và khấm khá lên nhờ mô hình kinh tế này. Tuy nhiên, để nghề nuôi dông thương phẩm có thể phát triển tốt, chắc chắn vẫn còn nhiều việc phải làm.

 Tiềm năng

Con dông là loại động vật hoang dã, sống chủ yếu ở những vùng đất cát ven biển từ Thanh Hóa đến tận Kiên Giang. Tuy nhiên, Bình Thuận vẫn là vùng đất phát triển nuôi dông mạnh nhất trong cả nước, đặc biệt là vùng khu Lê. Hiện tại, sức hấp dẫn những món ăn được chế biến từ con dông, khiến dông được “lên đời” thành món đặc sản khoái khẩu của nhiều người, dù giá cao (khoảng từ 300-400 ngàn đồng/kg). Trước nhu cầu tiêu thụ thịt dông tăng nhanh, mấy năm nay người dân trong tỉnh đã bắt đầu săn bắt con giống về nuôi bán. Hơn nữa, với lợi thế có bờ biển dài 192 km, diện tích đất cát là 117.468 ha, chiếm 15% diện tích tự nhiên, Bình Thuận sẽ là vùng đất đầy tiềm năng để phát triển nghề nuôi dông thương phẩm, nếu biết khai thác và có các giải pháp hữu hiệu để phát triển. Tuy vậy, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để phát triển và nhân rộng nghề nuôi dông thương phẩm với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh? Để làm được điều đó, mấy năm qua Trung tâm Phát triển kinh tế- xã hội tỉnh (SEDEC) đã hợp tác với các xã Hòa Thắng, Hồng Phong nói riêng và huyện Bắc Bình nói chung (địa phương có diện tích nuôi dông lớn nhất tỉnh), thực hiện một số hoạt động thử nghiệm, tìm hiểu con dông trong quá trình nuôi thương phẩm. Bởi lâu nay, việc nuôi dông chỉ mới dựa vào kinh nghiệm thực tế của nông dân, ngoài ra vẫn chưa có các nghiên cứu để cung cấp có cơ sở khoa học và thực tiễn để giúp bà con phát triển mạnh mẽ nghề nuôi mới này.


 Tìm giải pháp phát triển nghề nuôi dông

Theo kinh nghiệm của người dân khu Lê, con dông sống ở vùng này có những ưu thế vượt trội so với con dông các vùng khác vì nó phát triển nhanh, trọng lượng cơ thể lớn, thịt ngon và có hiệu quả kinh tế hơn loại dông hương. Dông là loài ăn tạp, thức ăn gồm nhiều loài thực vật và côn trùng nhỏ, do đó khá dễ nuôi. Trong quá trình thực hiện một số mô hình nuôi thử nghiệm và kinh nghiệm thực tế nuôi dông thương phẩm, ông Phạm Khắc Thọ - Giám đốc Trung tâm SEDEC cho hay: Khi xây dựng chuồng nuôi, bà con phải chọn vùng đất cát thông thoáng, khả năng thoát nước tốt. Nếu xây chuồng trên đất trống thì phải trồng cây che phủ; nếu diện tích chuồng nhỏ, có thể tạo mặt bằng thành luống hoặc gò đồi nhỏ để tăng diện tích mặt bằng cho dông đào hang và sinh hoạt. Đặc biệt, dông có tập tính con lớn ăn thịt con bé, nên cần chú trọng quản lý dông con bằng cách tách bầy, đưa vào một chuồng nhỏ để chăm sóc riêng. Dông con nuôi khoảng 4-5 tháng, có thể chọn đưa vào chuồng nuôi thương phẩm…

Để phát triển hơn nữa nghề nuôi dông thương phẩm trong tỉnh, ông Thọ nhấn mạnh: “Phải xác định đây là một nghề mới trong cơ cấu chăn nuôi ở địa phương, do đó cần hình thành các chính sách phát triển tương xứng. Bên cạnh đó, địa phương nên chủ động hợp tác với các nhà khoa học, viện, trường… liên quan, để xây dựng và thực hiện đề tài cho dông sinh sản nhân tạo, sản xuất con giống cung cấp cho người chăn nuôi, nhằm tăng năng lực cung ứng giống có chất lượng và hạn chế khai thác dông con trong tự nhiên. Còn theo các hộ nuôi dông như ông Lê Thanh Chung, Trần Văn Nhân… tại xã Hòa Thắng (Bắc Bình), hiện nay bà con chủ yếu nuôi dông tự phát, chưa có kinh nghiệm trong phòng và trị bệnh về con dông. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, phổ biến cho bà con phương pháp nuôi và cách phòng trị bệnh… để phát triển nuôi dông hiệu quả hơn. Đồng thời, các phía liên quan phải hợp sức để xây dựng thương hiệu con dông khu Lê nói riêng và dông Bình Thuận nói chung để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ.

Theo Báo Bình Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét