Có những khoảnh khắc bất chợt, đôi nét nguệch ngoạc tình cờ lại thừa khả năng kỳ diệu khơi dậy trong ta nhiều kỷ niệm sâu sắc, lắm ký ức vui buồn. Đó là trường hợp mấy chữ “khủng long cuối đời” được tác giả Ngô Phú Thiện đề cập ở tản văn “Về làng”, đã đánh thức trong tôi một số hình ảnh quen thuộc ngày xưa. Bởi theo tác giả, “khủng long” chính là con nhông rất đỗi gần gũi với lũ trẻ quê thuở trước, giờ đây được “cách điệu hóa” tại một số quán ăn để có vẻ “thời thượng”, lôi cuốn khách hàng!
Thật ra nhông chỉ là một loài bò sát, bà con với kỳ đà hay cắc ké (quen gọi là ngựa điếu) cổ đỏ bờm cao thường xuất hiện ở gò nổng, bụi bờ rậm rịt giữa trưa hè. Nhông ở Quảng, mình dài chừng 2 tấc, thân điểm sọc đen nổi bật trên nền da xanh xám, nhỏ hơn nhông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận thường thấy trẻ em xách từng xâu dài rao bán ở mấy chợ mai đông khách. Nhông sống nhờ các loại côn trùng: sâu, dế, cào cào… khác với loài cắc ké cũng sống ở hang song thường bò lên bụi rậm, mái nhà, thân ốm tong teo, da mốc, mắt đảo láo liên, lũ nhỏ chộp được, tìm cách cạy miệng nhét vào một xíu thuốc rê để xem con vật say thuốc, toàn mình đỏ rực ngắc ngứ, lừ đừ.
Săn bắt nhông bằng ná cao su chỉ dành cho tay sành điệu, phổ cập vẫn là đặt bẫy bằng tre. Một đoạn tre ngắn tròn, đường kính vừa miệng hang nhông đầu có gắn nhánh cung cong nhờ sợi dây nối vào chốt nhỏ chừa đầu một thòng lọng đặt chính cửa hang. Nhông no mồi tìm về hang chun vào sẽ dễ dàng mắc chốt, cung bật, lập tức vòng dây thắt chặt, càng vùng càng siết chỉ còn biết nằm chờ chủ bẫy đến tóm cổ bỏ vô bao. Thảng hoặc cũng có nhiều chú nhông nằm bên trong chờ đứng bóng mới đi kiếm bữa, rồi ra cũng sẽ bị làm mồi cho vòng thòng lọng oan nghiệt đó thôi.
Bẫy nhông thường là bọn trẻ chăn bò kết hợp, thi thoảng cũng có vài ba cậu sồn sồn lợi dụng lúc nông nhàn mò ra gò bãi săn tìm món ăn cải thiện, còn thừa thì mang lên chợ bán. Hang nhông tuy nhiều nhưng nằm rải rác trên một vùng đất rộng, dễ nhận thấy tại các khuynh mả, nấm mồ. Gặp hang thì đặt bẫy song khi thu hồi khó tránh khỏi bỏ sót hoặc nhầm lẫn của nhau bởi cùng lúc nhiều kẻ khác “hành nghề”, mặc dù đã thỏa thuận nhau địa giới. Chi bằng dùng mực hay lọ bôi trên bẫy làm dấu, dễ nhận, khỏi tranh cãi nhì nhằng.
Thịt nhông ai cũng khen ngon tùy cách chế biến mỗi nơi mỗi khác. Đương nhiên với hàng quán sẽ kép công và khoái khẩu hơn, nhờ gia vị và quá trình bếp núc. Ở thôn quê, thông dụng nhất, ai cũng biết, cũng làm là lột da, bỏ xương, lóc mớ thịt đỏ hỏn, mỡ dính vàng ươm, vận hên gặp thêm chùm trứng mới tượng hình béo bổ. Xong xuôi, đem băm nhỏ với tỏi, tiêu, hành… rồi xào cùng dưa cải hoặc dưa muối xắt mỏng dùng cơm. Sang hơn một bước, người ta biến nó thành một thứ nhưn cuốn bánh tráng, chiên dầu làm món ram nhông vừa thơm, vừa giòn, nhâm nhi với rượu. Theo lời nhiều bậc cao niên, thịt nhông còn là vị thuốc quý trị được các chứng phong và ghẻ sài trẻ nhỏ, nhờ vậy một số choai choai mới sớm bén mùi.
Thuở nhỏ, lũ nít chúng tôi thả bò ra nổng, vừa là kẻ săn bắt, vừa là người thụ hưởng món ăn dân dã trong bữa cơm đạm bạc gia đình. Khúc hát đồng dao bình dị ngày nào luôn đọng trong tâm tưởng, chờ kịp hồi sinh mỗi lần về quê bắt gặp đó đây hình dáng các chú nhông thập thò trước hang mộ vắng: Kỳ nhông là ông kỳ đà/Kỳ đà là cha cắc ké/Cắc ké là mẹ kỳ nhông/Kỳ nhông là ông kỳ đà…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét